Trang

Slider Code Enter Here

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Con chim họa mi



 Ở Trung Quốc, nơi mà Hoàng đế là một người Trung Quốc và tất cả quần thần cũng là người Trung Quốc, các bạn hẳn cũng biết điều đó, đã có một câu chuyện.


Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, nhưng chính vì thế mà phải kể lại để người ta khỏi quên đi.

Cung điện của Hoàng đế đẹp nhất trần gian, làm bằng một loại sứ rất quý, nhưng dễ vỡ, mỗi khi chạm đến phải thật nhẹ tay, nhẹ chân. Trong vườn Thượng uyển trồng toàn những loại hoa quý, rất kỳ lạ, những bông hoa đẹp nhất phải đeo lục lạc bằng bạc để cho du khách khi đến xem phải lưu ý. Khu vườn được chăm sóc kỳ công và trải rộng, ngay người làm vườn cũng không biết đến đâu là hết. Càng đi càng gặp nhiều điều kỳ thú, những cây cao bóng cả vươn dài, những hồ rộng mênh mông sâu thẳm. Rừng thoai thoải xuống biển, trên làn nước xanh những con thuyền lớn có thể lướt dưới bóng cây. Nơi đây có con hoạ mi thường cất tiếng hót mê hồn. Một anh thuyền chài nghèo khổ lòng chứa chất bao nỗi lo toan dăng lưới đi qua, nghe tiếng chim hót cũng phải dừng lại nghe. Anh reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao".

Nhưng rồi mải mê với công việc, anh ta quên chim ngay. Đêm sau đi dăng lưới qua đấy, anh lại nghe tiếng chim hót: anh lại đứng lại nghe và lại reo lên: "Trời ơi, Thánh thót biết bao".

Khách tham quan từ nhiều nước trên thế giới kéo đến hoàng thành. Họ ca ngợi hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng khi nghe hoạ mi hót, họ đồng thanh reo lên: "Đấy mới là điều kỳ diệu".

Trở về quê hương, họ thuật lại những điều mắt thấy tai nghe. Nhiều học giả đã viết thành sách ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển; nhưng người ta ca tụng hoạ mi nhiều hơn cả, những thi sĩ nổi tiếng đã làm những bài thơ kiệt tác để ca ngợi con chim hoạ mi hót hay trong khu rừng bên bờ biển. Sách được truyền đi khắp nơi, có quyển lọt vào tay Hoàng đế. Người chăm chú đọc, nhiều lúc gật đầu tán thưởng những đoạn văn hay ca tụng hoàng thành, hoàng cung và vườn thượng uyển.

Đọc tiếp, người thấy có đoạn viết: "Nhưng con chim hoạ mi mới thật là kỳ diệu!" Hoàng đế ngạc nhiên:

- Gì thế này? Con chim hoạ mi à? Sao ta lại không biết nhỉ? Có đúng là trong giang sơn ta; hơn nữa lại ngay trong vườn của ta, lại có một con chim như thế không? Ta chưa hề nghe nói bao giờ, lạ thật!

Hoàng đế truyền gọi quan thị lang là người cầm quyền cao chức trọng; mỗi khi có kẻ dưới đến trình báo hay thỉnh cầu điều gì, ngài chỉ trả lời cộc lốc: "Hớ!"

Hoàng đế phán hỏi:

- Ở đây chừng như có một con chim người ta gọi là hoạ mi. Thiên hạ cho rằng con chim này là loại chim quý hiếm. Vậy sao chưa thấy ai tâu với Trẫm?"

Quan thị lang thưa:

- Muôn tâu bệ hạ, chính hạ thần cũng chưa nghe thấy nói bao giờ và cũng chưa thấy ai đem đến tiến cử.

- Vậy ngay tối nay phải đem nó đến hót cho Trẫm nghe. Thiên hạ biết đến vật báu của Trẫm mà riêng Trẫm lại không biết!

Quan Thị Lang tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thực tình hạ thần chưa hề thấy con chim ấy, nhưng hạ thần xin đi tìm nhất định sẽ tìm được.

Nhưng tìm đâu? Quan Thị Lang đã leo lên khắp lầu son gác tía, qua khắp các cung điện và đường lối đi lại, gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai biết gì về chim hoạ mi cả.

Quan Thị Lang lại vào chầu hoàng đế:

- Tâu thánh thượng - Ngài nói - Có lẽ sách đã đánh lừa độc giả, xin bệ hạ đừng tin, đây chỉ là chuyện hoang đường.

Hoàng đế phán:

- Những sách ta xem là những sách của Hoàng đế Nhật Bản gửi tặng, lẽ nào lại là chuyện bịa đặt? Trẫm muốn được nghe chim hoạ mi hót ngay tối nay. Trẫm sẽ ban thưởng cho chim nhiều ân huệ. Nếu không đưa được hoạ mi đến thì cả triều đình sẽ bị phạt giẫm lên bụng sau khi ăn cơm no.

Quan Thị lang cúi chào Hoàng thượng ra về. Rồi ngài chạy tới chạy lui, leo lên leo xuống, khắp cả lầu son gác tía, vào khắp các phòng trong hoàng cung, sục sạo mọi ngõ ngách, một nửa triều thần cũng làm như thế, vì chẳng ai muốn chịu tội giẫm lên bụng. Rõ là một cuộc chạy đua loạn xạ để tìm một con chim cả thiên hạ biết tiếng chỉ trừ Hoàng đế và đình thần.

Cuối cùng họ vớ được một cô bé thị tì.

- Trời ơi! - Cô bé kêu lên - Con chim hoạ mi! Cháu biết! Nó hót hay lắm! Chiều nào mang cơm thừa cho mẹ đang ốm, lúc về mỏi chân đứng nghỉ trong rừng, cháu cũng được nghe nó hót. Những lúc ấy cháu thấy sung sướng đến chảy nước mắt như khi được mẹ cháu ôm hôn vậy.

Quan Thị lang nói như reo:

- Cháu bé ngoan lắm! Cháu hãy đưa ta đến chỗ hoạ mi đậu, ta sẽ ban cho cháu một chức vị ở trong nhà bếp và cho phép cháu được vào xem Hoàng đế ngự thiện. Cháu cần đi ngay vì tối nay đã phải đem chim đến hót cho Hoàng đế nghe.

Cả một nửa triều đình theo con bé thị tì vào rừng nơi có hoạ mi hót. Dọc đường bỗng nghe tiếng bò rống, một thị đồng reo lên: Hoạ mi đấy! Chim gì mà lớn tiếng thế! Hình như tôi đã được nghe ở đâu rồi!

Nữ tì nói:

- Không phải đâu! Bò rống đấy! Còn phải đi lâu mới tới!

Lúc sau lại có tiếng ì uôm của một con ễnh ương ở trong ao. Pháp tăng trong triều cũng đi theo đoàn reo lên:

- Hoạ mi đấy! Nghe sao mà thánh thót thế! Chưa bao giờ bần tăng được nghe một giọng chim hót hay như thế!

Nữ tì nói:

- Không phải đâu! Đấy là ễnh ương!

Đi thêm một quãng, thị tì bảo mọi người:

- Hãy im lặng mà nghe! Nó đấy! Hoạ mi đấy - Thị tì nói và chỉ một con chim nhỏ lông xám đang đậu trên một cành cây.

Quang Thị lang ngạc nhiên:

- Hoạ mi đấy à? Ta cứ tưởng nó đẹp kia chứ? Bộ lông nó trông tầm thường quá! Hay là trước mặt đông đủ quần thần nó sợ, tái sắc đi?

Thị tì cất tiếng gọi:

- Hoạ mi ơi! Hoàng đế muốn nghe hoạ mi hót đấy.

- Rất vui lòng! - Hoạ mi trả lời.

Và cất tiếng hót thánh thót mê hồn.

Quan thị lang khen:

- Nghe trong như những tiếng nhạc bằng pha lê. Cái cổ họng nó xinh xắn cứ phập phồng. Thế mà chưa bao giờ được nghe hoạ mi hót cũng tiếc thật. Vào hoàng cung chắc nó sẽ được triều đình và hoàng gia nhiệt liệt hoan nghênh.

Tưởng hoàng đế có mặt ở đấy, hoạ mi hỏi:

- Tôi có phải hót lần nữa cho thánh thượng nghe không?

Quan thị lang nói:

- Hoạ mi ơi! Người hãy theo chúng ta về cung hót cho Hoàng đế mê say.

- Giọng hót của tôi ở chốn rừng này, dưới vòm cây này, mới là hay nhất.

Hoạ mi nói thế, nhưng khi biết Hoàng đế muốn nó đến hót tại hoàng cung, nó cũng vui lòng đi theo.

Ở hoàng cung người ta đã chuẩn bị tiếp thật long trọng.
Hàng ngàn cây đèn bằng vàng sáng chói trên sân rồng và trên các bệ bằng sứ. Hàng hiên rực rỡ những chậu hoa hiếm thấy, chuông bạc ngân vang mỗi khi gió thoảng nhẹ.
Chính giữa đại diện, nơi Hoàng đế ngự có để sẵn một cành cây bằng vàng cho chim đến đậu. Văn võ bá quan tề tựu đông đủ; cả cô thị tì mới được phong chức đầu bếp, cũng được phép đến nấp nghe sau cánh cửa. Các quan đều mặc phẩm phục, chăm chú chiêm ngưỡng con chim màu xám đang líu lo trên cành vàng.

Hoạ mi hót hay đến nỗi Hoàng đế xúc động, sụt sùi, nước mắt giàn giụa. Người rất hài lòng, truyền đeo chiếc thẻ bà bằng vàng vào cổ chim để thưởng công. Nhưng hoạ mi khước từ nói:

- Như thế này là vinh dự cho tôi lắm rồi! Được thấy những giọt nước mắt của Hoàng đế nhỏ khi nghe tôi hót là một ân huệ lớn đối với tôi.

Hoạ mi lại cất tiếng hót êm đềm thấm thía như để tạ ơn.

Các bà phu nhân thì thào với nhau:

- Không còn gì tuyệt bằng.

Có bà còn ngậm tí nước vào miệng, khẽ lấy giọng ro ro trong cổ bắt chước tiếng chim. Trong bụng nghĩ cứ làm như thế giọng các bà sẽ biến thành giọng hoạ mi.

Ngay cả các nữ tì, thị vị, những người khách khó tính nhất cũng nhiệt liệt ca ngợi giọng hót của hoạ mi.

Như vậy hoạ mi được cả triều đình và hoàng gia ca ngợi.
Hoàng đế truyền ban cho hoạ mi một chiếc lồng sơn son treo trong cung, chim được phép ra ngoài mỗi ngày hai lần mỗi đêm một lần. Mỗi khi ra ngoài chim được mười hai quan hầu đi theo, mỗi người nâng một sợi tơ buộc vào chân chim. Kiểu du ngoạn như vậy, hoạ mi chẳng thích thú gì.
Cả kinh thành náo nức về con chim. Ai đẻ con cũng muốn đặt tên là hoạ mi, kể cả những đứa có giọng khàn khàn.
Một hôm Hoàng đế nhận được một gói gửi đến bên ngài đề hai chữ "Hoạ mi".

Hoàng đế mở gói, bụng nghĩ chắc lại là một quyển sách nói về chim Hoạ mi.

Nhưng không phải. Trong gói lại là một con hoạ mi nhân tạo, giống hệt con hoạ mi thật, mình, dát đầy kim cương, ngọc xanh ngọc đỏ. Hễ vặn máy chim lại hót lên như hoạ mi thật, cái đuôi vẫy vẫy óng ánh sợi vàng sợi bạc. Cổ chim hoạ mi đeo một cái vòng, trên khắc dòng chữ:

"Tôi là hoạ mi của Hoàng đế Nhật Bản, tôi chưa sánh được với Hoạ mi của hoàng đế Trung Hoa".

Cả triều đình reo lên:

- Tuyệt quá!

Hoàng đế phong cho người mang hoạ mi giả một chức vị cao và ban thưởng.

Triều thần có người bàn cho hai con chim cùng hót, để được nghe một bản song ca của hai con chim hoạ mi tuyệt diệu.

Người ta đã thử nhưng không được, vì con chim hoạ mi thật hót một kiểu riêng của nó, còn hoạ mi giả cứ hót theo nhịp ba.

Quan chưởng nhạc đã biện hộ cho hoạ mi máy nói rằng nó hót không sai đâu, rất đúng nhịp, tôi cũng thường dạy trên lớp như thế.

Nghe quan chưởng nhạc nói vậy, người ta bèn cho chim giả hót một mình. Nó hót rất hay, chẳng kém gì chim thật, lại đẹp nữa, lúc nó hót cứ lóng lánh như nạm kim cương.

Nó có thể hót thông luôn một lúc ba mươi lần mà vẫn hay, người nghe không thấy chán, vẫn cứ muốn nghe nữa.

Nhưng Hoàng đế truyền để chim thật hót một lúc.
Nhưng nhìn trước nhìn sau chẳng thấy chim thật. Thì ra trong lúc mọi người mải mê nghe chim giả hót thì chim thật đã bay về chốn rừng xanh.

Hoàng đế sửng sốt:

- Thế là thế nào?

Quần thần tỏ vẻ tức giận, kết tội chim vong ân bội nghĩa. Cũng có người an ủi như vậy còn là may vì còn giữ được con hay nhất.

Thế là chim giả lại phải hót, có một bài mà nó cứ hót đi hót lại đến mấy chục lần.

Quan chưởng nhạc hết lời ca tụng chim máy, quan quả quyết nó hơn hẳn chim thật, không chỉ vì nó có bộ lông đẹp mà chính vì tài nghệ của nó.

- Muôn tâu bệ hạ - quan chưởng nhạc trình lên Hoàng đế - với con chim thật, chẳng ai biết được nó sẽ hót bài gì; nhưng với con chim máy thì các bài hót được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cứ mở máy các bài sẽ lần lượt hót lên. Cứ việc tháo máy ra, xem các bánh xe sắp đặt thế nào thì hiểu được cách chuyển động của máy và cách phát ra tiếng hót.

Mọi người tán thành ý kiến của quan chưởng nhạc.
Hoàng đế phán rằng phải để dân chúng được nghe chim máy hót, nên chủ nhật quan Chưởng nhạc đem chim máy cho dân chúng nghe.

Dân chúng được nghe hoạ mi hót, ai cũng tấm tắc khen, sau mỗi bài mọi người lại chỉ tay lên trời, lắc đầu kêu "ồ"!
Nhưng có một anh thuyền chài nghèo, đã nhiều lần được nghe hoạ mi hót, lại nói như thế này.

- Khá hay đấy! Khá giống hoạ mi thật đấy! Nhưng nghe như còn thiếu một cái gì ấy.

Vậy là chim thật đã ra khỏi hoàng cung; chim máy được đưa lên địa vị độc tôn.

Người ta đặt nó trên một đệm gấm, bên cạnh giường ngự, xung quanh xếp đầy những bội tinh, châu báu, vàng ngọc là những thứ chim được ban thưởng. Nó được hoàng đế phong cho chức tước cao quý. Về ngôi thứ lâm triều, chim được xếp hàng đầu, bên trái, là thứ bậc cao nhất triều đình.

Quang chưởng nhạc viết một pho sách mười lăm chương ca tụng chim hoạ mi máy, lời lẽ uyên bác, cao siêu. Ai đọc bộ sách ấy cũng gật gù tỏ ra thông hiểu, để khỏi mang tiếng dốt nát.

Sau một năm, Hoàng đế ,triều thần, và cả nước đều thuộc lòng những bài do chim máy hót. Người ta có thể đồng ca với chim. Từ Hoàng đế đến chú bé ngoài phố cũng biết hót.
Rõ thật là hay!

Nhưng một hôm, chim máy đang hót cho Hoàng đế nghe thì bỗng có tiêng kêu đánh sạch trong bụng chim. Dường như có cái gì bị gẫy, các bánh xe quay loạn xạ nghe xoàn xoạt, rồi chim ngừng hót.

Hoàng đế truyền gọi quan ngự y đến bắt mạch chữa cho chim. Nhưng quan ngự y từ chối vì không thuộc chuyên môn của người. Triều đình phải cho gọi một thợ chữa đồng hồ đến. Anh thợ đồng hồ tháo tung cỗ máy xem xét nói rằng các bánh xe mòn nhiều, không có đồ thay; chỉ có thể lắp lại dùng tạm, mỗi năm chỉ được cho chim hót một lần. Nghe tin thần dân cả nước bàng hoàng. Tiếng chim máy hót bây giờ nghe rèn rẹt, nhưng quan chưởng nhạc vẫn khăng khăng rằng tiếng chim máy hót vẫn du dương như trước.

Năm năm sau, nhân dân trong nước nghe một tin dữ. Hoàng đế muôn vàn kính yêu của họ lâm bệnh nặng, không cứu chữa được. Đình thần đã chọn người kế vị. Dân chúng nhớn nhác đến dinh quan thị lang hỏi thăm tin tức.

Hoàng đế tái ngắt, giá lạnh trong long sàng. Văn võ bá quan tưởng người đã băng hà rối rít, xun xoe quanh vị vua mới. Tróng khi đó thị vị và nữ tì vui chơi, thoả thích chuyện gẫu và uống nước chè.

Hoàng đế đáng thương đang hấp hối, người chỉ còn thoi thóp thở.

Cảm thấy có vật gì đè lên ngực, người mở mắt và nhìn thấy thần chết đang cười với người. Thần chết đã lột mũ miện của người, một tay cầm xạ kích một tay cầm hoàng kỳ. Từ các nếp màn che quanh long sàng ló ra những cái đầu lâu kỳ quái; có những cái trông gớm ghiếc, lại có những cái trông nhân từ. Đó là công đức và tội lỗi của Hoàng đế hiện về trong khi thần chết đè nặng lên trái tim người.

- Còn nhớ không? Nhà vua còn nhớ không?

Cái đầu lâu lần lượt hỏi tội nhà vua. Chúng kể ra không biết bao nhiêu là tội, khiến nhà vua toát hết cả mồ hôi và kêu lên:

- Nhưng ta đâu có biết những chuyện ấy?

Rồi ngài hô:
- Cử nhạc lên! Khua trống cái lên! Ta không muốn nghe những lời ma quái nữa!

Mặt ma vẫn cứ trơ trơ, còn thần chết thì vẫn lắc lư cái đầu.

Hoàng đế lại thét lên:

- Cử nhạc! Cử nhạc mau! Chim vàng thân yêu! Hãy hót đi! Hót lên! Ta sẽ ban thưởng cho người vàng bạc, châu báu và chiếc bài vàng. Hót lên! Hót lên đi!

Nhưng chẳng có ai vặn máy, nên chim cứ im lìm. Còn thần chết thì vẫn giương đôi mắt thao láo, trống hốc, nhìn chằm chằm Hoàng đế.

Giữa lúc đó, từ ngoài cửa sổ nổi lên tiếng hót tuyệt vời. Chim hoạ mi bé nhỏ đã từ rừng xanh bay về đậu trên cành cây ngoài vườn. Nghe tin Hoàng đế ốm nặng, chim đã bay về mang lại cho người nguồn sinh lực bằng tiếng hót của mình.

Tiếng hót của hoạ mi vang lên, bóng ma tan dần, máu lại lưu thông trong huyết quản của nhà vua. Thần chết cũng phải lặng đi trước tiếng hót của hoạ mi, rồi lại khuyến khích:

- Cứ hót đi! Hoạ mi! Cứ hót đi!

- Được! nhưng phải trao lại kiếm vàng và mũ miện cho Hoàng đế!

Sau mỗi bài hót của chim, thần chết lại trao trả một bảo vật. Chim tiếp tục hót, ca ngợi cảnh thanh bình nơi nghĩa trang đầy hoa thơm, cỏ lạ. Thần chết không cầm nỗi lòng mong muốn trở lại khu vườn của mình, đã hoá thành một đám mấy trắng bay qua cửa sổ và biến mất.

Hoàng đế reo lên:

- Cảm ơn chim! Cảm ơn chim yêu quí! Ta đã nhận ra hoạ mi rồi. Ta đã vô tình để chim ra khỏi hoàng cung, vậy mà chim vẫn quay về, lại giúp ta xua đuổi tà ma, cứu ta ra khỏi tay thần chết. Ơn ấy không bao giờ ta quên.

Hoạ mi đáp:

- Nhà vua ban thưởng cho chim nhiều rồi. Những giọt nước mắt, nhà vua nhỏ lần đầu tiên nghe chim hót, chim không bao giờ quên cảnh tượng ấy. Đối với một ca sĩ, không có vàng bạc châu báu nào quý giá bằng. Bây giờ xin Hoàng đế yên nghỉ để hoạ mi hót cho người nghe cho mau bình phục.
Rồi hoạ mi lại hót, hoàng đế lại thiếp đi trong giấc ngủ hồi sinh êm đềm.

Lúc ánh bình minh chiếu qua cửa sổ rọi tới long sàng, nhà vua tỉnh giấc trong người sảng khoái vô cùng. Chung quanh chẳng có ai đến hầu, vì họ yên trí vô nhà vua đã băng hà. Duy chỉ có hoạ mi vẫn một mình líu lo bên cạnh Hoàng đế.
Hoàng đế bảo chim:

- Từ nay hoa mi luôn ở bên ta để hót cho ta nghe, còn con chi giả ta sẽ đập tan thành trăm mảnh.

Hoạ mi vội can:

- Xin nhà vua đừng làm như vậy. Chim máy đã làm hết sức của nó, nên giữ nó lại. Còn tôi, tôi không quen sống trong hoàng cung. Xin nhà vua cho phép tôi về rừng, chiều chiều tôi sẽ bay lại đây, đậu trên cành cây, trước cửa sổ này để hót cho nhà vua nghe. Chim sẽ hót lên cuộc đời của những kẻ sung sướng nhưng cuộc đời cũng như cuộc đời của những người đau khổ. Chim sẽ hót lên những điều tốt cũng như những điều xấu người ta chung quanh nhà vua. Tiếng hót của hoạ mi bé nhỏ này sẽ lọt tới những người dân chài nghèo khổ, của những nông dân bần hàn, đến tận những nơi xa hoàng đế và triều đình. Hoạ mi kính trọng tấm lòng nhà vua hơn cả ngai vàng, mặc dầu ngai vàng là biểu hiện thiêng liêng.

Chim sẽ đến, sẽ hót, nhưng chỉ xin nhà vua một điều:

- Chim muốn xin gì trẫm cũng ban - nhà vua nói và đứng dậy ghi chặt thanh kiếm nạm ngọc quí vào ngực.

- Chim chỉ xin bệ hạ một điều là đừng nói cho bất cứ ai biết rằng bệ hạ có một con chim nhỏ đã tâu lên cho bệ hạ biết tất cả mọi điều. Như thế mọi việc sẽ êm đẹp.

Nói rồi chim cất cánh bay đi.

Lúc ấy triều thần bước vào. Họ yên trí hoàng đế đã băng hà. Nhưng mọi người sửng sốt thấy nhà vua đứng dậy quay về phía họ mà phán rằng:

- Chào các ngươi!

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu

Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện. Cũng nhờ thế, những gã mục đồng đối với trâu không dám đánh đập tàn tệ hoặc cho ăn thiếu thốn vì sợ trâu mách chủ.

Vào hồi đó có một người làm ruộng nuôi một con trâu cày, đồng thời cũng thuê một cậu bé để chăn con trâu ấy. Người và vật lúc đầu rất tương đắc. Nhưng sau rồi hai bên bất bình với nhau. Cậu bé này tính ham chơi, nhiều khi quên mất phận sự của mình làm cho trâu nhiều lúc chả được miếng gì vào bụng.

Có bữa vì say mê một cuộc đánh khăng hay đánh đáo, nhưng lại sợ trâu ăn lúa, cậu ta đã cột trâu lại một nơi không cho ăn. Những lúc đó, để che mắt chủ, hắn đã dùng một mẹo là lấy mo cau áp một lớp vào bụng con vật, rồi trát đất bùn ra ngoài. Cứ như thế, hắn dắt trâu về chuồng. Chủ nhà nhìn thấy bụng trâu căng lớn tướng thì tỏ ý hài lòng mà không căn vặn gì nữa. Nhờ mẹo ấy, cậu ta đã lừa được chủ nhiều lần nhưng cũng nhiều lần làm cho trâu rất tức tối.

Một hôm, cậu bé mải chơi quá. Hội khăng vui đáo để làm cho hắn quên mất cả. Nhưng trâu thì nhịn từ trưa cho đến chiều. Trâu gọi mãi, nhưng hắn ta nào có để ý đến. Buổi chiều hôm ấy trâu định mách chủ nhưng hắn khôn ngoan dùng lời lấp liếm không cho trâu có dịp mở miệng. Buổi sáng hôm sau, người chủ dắt trâu ra cày ruộng. Trâu cố làm ra bộ bước không muốn nổi. Chủ gắt:

- Nào có đi mau lên không. Đồ lười!

Trâu trả lời:

- Không phải lười mà tại đói.

Chủ hỏi tiếp:

- Thế nào? Ngày nào mà thằng bé chả cho mày ăn một bụng no căng.

Bấy giờ trâu mới vạch mặt:

- Cưỡi trâu ra đánh khăng đánh đáo, cưỡi trâu về nói láo trâu no. No gì mà no: trong mo ngoài đất sét, ỉa cái phẹt, hết no.

Sự giả dối của cậu bé chăn trâu vì thế bại lộ. Ngay buổi trưa hôm đó người chủ vừa lột những cái mo đầy bùn dưới bụng trâu vừa đánh cho hắn một trận mê tơi. Hắn đau ê cả người. Nhưng trâu thì rất hả hê và từ hôm đó ngày nào cũng được ăn no lại được tắm rửa sạch sẽ.

Qua mấy ngày sau, những chỗ bị đánh hãy còn sưng húp, cậu bé ngồi trên bờ ruộng giọt ngắn giọt dài. Trong khi đó trâu ung ung ăn cỏ. Bỗng dưng có một ông lão hiện ra sau lưng, hỏi cậu bé vì cớ gì mà khóc. Hắn chỉ vào trâu mà nói: "Tại nó cả. Vì nó mách chủ..." Đoạn hắn kể cho ông nghe hết đầu đuôi.

Ông lão nghe xong dỗ dành cậu bé và nói: "Ta rất thương con gặp phải chuyện không may. Bây giờ con muốn gì ta sẽ làm cho con vui lòng". Hắn đáp: "Vì nó biết nói làm cho con phải đòn. Bây giờ chỉ muốn làm thế nào cho nó không thể nói được nữa. ạng lão bảo: "Khó gì việc đó. Ta sẽ có phép làm cho con vừa ý".

Ông lão bèn rút trong người ra một cây hương đốt lên thư phù vào trâu, rồi bất thình lình ông lấy cây hương đó gí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp. Trâu kêu lên oai oái khản cả cổ. Tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn. Cuối cùng, lúc nào muốn nói, trâu chỉ còn phát ra có mỗi một tiếng "nghé ọ..." mà thôi. Chỗ bị thương sau thành một cái sẹo như cái nốt ruồi, từ đó trâu không nói được nữa. Cả dòng dõi nhà trâu sinh ra cũng đều không biết nói và cũng đều mang cái nốt ở dưới cổ cho mãi đến ngày nay.

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Lưỡi dao thần

Xưa kia, có một em bé ở đợ chăn trâu cho nhà giàu. Đàn trâu nhà này đông lắm, không ai chịu cho em chăn chung. Quanh năm em phải một mình chăn riêng đàn trâu, giữa chốn rừng hoang, đồng vắng. Chẳng có ai trò chuyện. Đến bữa, tuy nắm cơm của mình đã ít ỏi, em cũng bẻ đôi, lấy một nửa vãi ra cho lũ chim ăn cho vui.

Một hôm em bé ngồi trong bóng cây trú nắng, gió cũng thổi mát quá, em ngủ quên, đến lúc thức dậy, thì đàn trầu đã đi mất. Em tìm khắp cánh đồng mà chẳng thấy. Lo mất trâu, sợ chủ đánh, em liền theo bờ sông ngược lên, đi tìm. Đến chỗ con sông khúc, nước xoáy tròn như chong chóng, hai bên bờ có nhiều cây lạ, hoa thơm, cỏ non tươi tốt, thì gặp đàn trâu. Đúng trưa, mặt trời đỏ rực như một chậu lửa. Nóng quá, em xuống sông tắm. Có một con rùa nước chỉ bằng quả trứng, bị hòn đá to đè lên một chân. Con rùa quẫy mài mà không sao rút chân ra được. Em bé thương con rùa, đến vần hòn đá cứu sống nó. Từ đó trở đi, hôm nào em cũng đuổi trâu đến đấy. Vì cây cỏ chỗ này tươi tốt bốn mùa.

Ngày tháng trôi qua, đàn trâu đã trông gấp đôi. Em bé cũng đã trở thành một chàng trai khoẻ mạnh. Một hôm chàng trai đang ngồi dưới bóng cây, vãi cơm cho chim ăn, bỗng nghe gió thổi ào ào, cỏ cây bốn bên ngã rạp. Chàng nhìn lên trời, thấy ba chị em cô tiên vạch mây bay xuống. Ba cô tiên đáp xuống chỗ xoáy nước cởi áo để bên bờ, rồi cùng lội ra tắm. Ba cô đều đẹp, nhưng cô út xinh nhất. Chàng chăn trâu muốn lấy cô này làm vợ, liền lẻn ra lấy bộ xiêm áo của cô rồi vào bụi ngồi. Mặt trời đã đứng bóng. Các cô tiên sắp sửa về cõi tiên, nhưng cô tiên út bị mất xiêm áo, ngồi trong bụi cây, cô tiên cả vỗ tay ba cái. Chiếc áo liền bay vụt ra, còn chàng chăn trâu thì nằm lăn ra chết. Từ hôm ấy trở đi, khi mặt trời tròn bóng, ba cô tiên đều xuống đây tắm. Còn xác chàng chăn trâu thì đã thối rửa, hoá bọ, hoá giòi. Có một con giòi rẽ đám, bỏ ra, rơi xuống sông, gặp con rùa bị đá đè, được chàng chăn trâu cứu dăm năm về trước, cũng đang luẩn quẩn ở đây.

Con rùa này là con vị Thủy thần, khi đi chơi, bị mắc cạn, nhờ ơn cứu sống, con rùa chờ dịp đáp đền. Hôm nay, con rùa biết chàng chăn trâu bị chết, nên đến đây cứu. Trông thấy con giòi rơi, rùa đến ngửi hơi, biết là chàng chăn trâu đang chết ở đây. Rùa bò lên bờ, tìm được. Nó nhỏ vào cái thây chết ba giọt nước bọt. Chàng chăn trâu sống lại, ngồi thẳng lên, người khoẻ mạnh gấp mấy lần trước kia. Rùa bảo chàng:

- Ơn người, ta đã đền rồi! Nay ta bảo cho thêm một cây thuốc sống. Giữ cây thuốc sống này bên mình, người sẽ sống mãi. Có ai chết, lấy cây thuốc này chỉ vào người chết sẽ sống lại.

Nói xong, rùa biến mất. Chàng chăn trâu chưa hết ngơ ngác bàng hoàng, đã thấy cây thuốc trước mắt. Cây thuốc chỉ bằng que tăm, xanh như lá mạ, hai đầu bằng nhau, chẳng biết đâu là gốc đâu là ngọn. Chàng xé vải áo cài cây thuốc vào. Ba cô tiên lại vạch mây bay xuống. Tưởng không còn ai, cả ba cô vứt bừa khăn áo trên bờ, chạy ùa xuống nước. Có cây thuốc sống chàng trai chẳng sợ chết nữa, đi thẳng đến lấy chiếc áo của cô thứ ba cắp vào nách, đứng nhìn. Ba cô tiến trông thấy, chạy ùa lên bờ, vỗ tay, hoá phép. Chàng vẫn đứng trơ trơ. Hai cô chị sợ quá, vội vàng tranh lấy áo mặc, bay về trời. Còn cô thứ ba ở lại, làm vợ chàng chăn trâu.

Lấy được người vợ xinh đẹp, nhưng chàng chăn trâu vẫn sống trong cảng nghèo nàn. Tuy vậy, vợ chồng ăn ở hoà thuận. Sau một năm, hai người đã sinh một đứa con trai. Một hôm, vào giữa mùa cây, chàng đuổi trâu đi chăn. Vợ chàng ở nhà, trút bồ thóc ra phơi. Trông thấy chiếc áo tiên chiếc áo tiên chồng giấu dưới đáy bồ, cô vợ đem ra ướm thử. Đi đã lâu, cô tiên nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ cả làng tiên, nên bay vút lên trời. Khi đuổi trâu về, thấy nhà vắng, con khóc, bếp không có lửa, chàng chạy vào tìm chiếc áo tiên, thì chiếc áo đã mất. Biết vợ đã về trời, chàng đứng ngồi không yên. Thương xót, khóc kể... Chàng bế con đi tìm vợ, không biết bao giờ mới trở lại nhà cũ cảnh xưa. Trước khi đi, chàng bế con đến thăm lại chỗ xoáy nước. Con rùa lại chờ chàng ở đó. Rùa cho chàng thêm hai viên thuốc, một thanh đao, và dặn:

- Thuốc phải uống ngay mỗi người một viên. Còn thanh đao thì chớ để mất. Bao giờ gặp tai biến, đao sẽ tự giải nguy.

Chàng chăn trâu cho con uống một viên thuốc. Đứa bé mới biết ngồi, bỗng to lớn khoẻ mạnh hơn cha. Chàng uống luôn viên thuốc còn lại. Người chàng cũng cao hơn, khoẻ hơn trước kia năm bảy lần, đủ sức đi cùng trời cuối đất. Chàng liền đeo vào lưng, cầm cây thuốc sống trong tay, đưa con đi thẳng về hướng mặt trời mọc.

Đi được ba tháng, cha con chàng gặp một con rác. Con rác cao như bụi tre, chân to bằng chân cột đình. Rác thích ăn lươn sống. bắt hai cha con chàng đi tìm lươn cho nó ăn. Nó bảo:

- Nếu cha con mày trốn, tao sẽ cắt đứt đầu. Trong vòm trời này, chỗ nào tao bay cũng đến, trốn đâu tao cũng tìm được.

Có cây thuốc sống trong mình, hai cha con chàng không sợ chết, nhưng biết không làm sao trốn khỏi đôi cánh to như mái đình của con rác, nên phải chịu nghe nó để lần hồi tìm kế thoát thân. Ngày ngày, hai cha con chàng chăn trâu phải ra đồng, bắt cho nó mấy giỏ lươn. Đến mùa mưa bão, nước ngập trắng đồng, không còn chỗ bắt lươn. Con rác đói, nuốt người bố vào bụng nó, mà không bị trầy da, rách thịt. Có sẵn cây thuốc sống trong người, chẳng biết ngạt, biết đau, chàng cựa quậy, cào xé trong ruột con rác. Bị đau, nó vùng vẫy, lăn lộn, giẫm quang một vùng cây rậm rạp. Cuối cùng, con rác phải chịu thua. Nó bảo:

- Tao không bắt mày đi tìm lươn nữa! Cha con mày muốn đi đâu thì đi...

- Mày chẳng làm sao hại được tao. Mày không thả tao cũng chả cần!

Chàng chui lên cổ con rác nói vọng ra những lời đó, rồi cào cấu mạnh hơn.

Con rác nài nỉ:

- Tao cho hai cha con mày hai cái lông của tao, nó rất cần cho những người đi biển.

Để con rác sống e cản trở đường đi, chàng rút dao cắt đứt ruột nó, rạch bụng chui ra, nhổ hai cái lông cánh, rồi đưa con đi tiếp về phía chân trời. Cha con chàng đi chẳng bao lâu đã hết đất, đến biển. Biển rộng mênh mông, nước xanh ngắt, sóng đập ào ào. Xung quanh vắng lặng, chẳng có người qua lại cũng chẳng có thuyền bè ngược xuôi. Hai cha con chàng đem thanh dao vào rừng đẵn một cây to, khoét ruột làm một chiếc thuyền. Người con lấy nước trầu của cha đang ăn sơn lên thành chiếc thuyền màu đỏ. Lại lấy hai cái lông của con rác cắm đứng lên, đợi gió. Hai cái lông to xoè rộng như hai cánh buồm. Chờ đến ngày nổi gió, hai cha con chàng đẩy thuyền ra biển. Gió mạnh, thuyền rẻ sóng chạy băng băng, nhanh hơn ngựa hay chạy trên đất liền. Mặc cho gió đổi hướng, con thuyền vẫn chạy theo ý định của hai cha con. Chạy qua bên kia biển, con thuyền gếch mũi lên không. Gió lại thổi mạnh. Chiếc thuyền bay bổng lên trời, bay thẳng đến động tiên. Tiên cha đang ngồi xem sách thấy thuyền lao vút đến, liền hỏi các con:

- Đứa nào xuống trần mắc nợ, để người trần lên quấy thiên cung?

Cô tiên thứ ba thú tội "Trót để nhớ thương cho một người chăn trâu nghèo khổ". Tiên cha nổi giận, truyền trói cô tiên ấy lại, rồi giục quân ra chặn đánh, không cho hai cha con chàng chăn trâu vào làng tiên.

Quân tiên đổ ra đông như một bầy ong, vây chặt chiếc thuyền. Anh chăn trâu xưa nay chưa hề biết chuyện cung kiếm, cũng như chưa bao giờ thấy quân hùng tướng mạnh, nay gặp quân nhà trời, người anh run cầm cập, một tay cầm dao, một tay ôm chặt "cây sống" vào người. Người con trai cũng chưa biết đánh chác ra sao, nên cứ cầm thanh dao nhìn qua, nhìn lại. Bỗng không biết từ đâu, có tiếng nói vọng đến tai anh: "Bao giờ quân nó đến gần, lật lưỡi dao lên, chúng nó sẽ đứt cổ, thủng bụng".

Anh vững dạ, cầm chắc thanh đao, mắt lăm lăm nhìn quân tiên tràn tới. Khi quân tiên còn cách mình ba bước, anh lật lưỡi dao lên. Tiên cha lại giục quân ra thêm. Nhưng quân tiên ra thêm bao nhiêu, cũng đều bị lưỡi dao thần giết chết.

Hai cha con chàng đi thẳng vào thiên cung. Quân tiên sợ trốn hết, chỉ còn cô tiên bị trói đứng đó. Chàng tiến đến cởi dây. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau, vừa mừng vừa tủi. Cô dẫn con và chồng đến xin lỗi cha. Tiên cha hết phép hết quân nên phải bằng lòng để cho cô tiên út trở về trần gian. Chàng chăn trâu đưa vợ con trở lại chỗ chiếc thuyền. Chiếc thuyền bay thẳng một mạch từ thiên cung về biển, rồi từ biển vào đất liền, ngược theo một con sông trở về làng cũ.

Cái vết đỏ trên má công nương

Ngày ấy có một ông thượng thư đầu triều nổi tiếng là người nghiêm khắc và hách dịch. Ông có tính nóng như lửa. Đã thế ông lại có quyền "tiền trảm hậu tấu" nên không khỏi giết oan một số người vô tội. Trong triều ngoài quận người ta coi ông như vị hung thần. Mỗi lần ông thét đao phủ chém một người nào, thì dù là kẻ thân thiết nhất cũng không ai có thể can được, cho nên những người ở gần đều sợ ông như cọp.

Ông thượng có một sở thích đệ nhất là món hát bội. Ngày ấy chưa có rạp tuồng bán vé cho công chúng vào xem như sau này, cho nên các nhà quyền quý thường nuôi gánh hát riêng. Chẳng những ông thích xem hát mà còn tự tay biên soạn nhiều vở tuồng, vì vậy ông cũng có một gánh hát trong nhà. Trong số đào kép của gánh hát này thì có kép Châu là một tay xuất sắc. Kép Châu tuổi trẻ tài cao, thường được người xem tán thưởng về hát hay múa dẻo, nhất là đám nữ giới mỗi lần thấy anh thủ vai chính trên sân khấu thì thường mê như điếu đổ về cả thanh lẫn sắc.

Ông thượng không có con trai, chỉ có một cô con gái rất xinh tên là Nhung. Cũng như thói thường của mọi nhà quyền quý khác, ông chăm dạy cho con mọi điều công, dung, ngôn, hạnh. Thấy con gái thông minh và tài hoa, ông yêu dấu rất mực. Đến nỗi hằng ngày hút thuốc, nếu không có thuốc do con ông quấn thì ông hút không ngon. Tuy nhiên, một việc oái oăm ông không bao giờ ngờ tới là cô Nhung được ông dạy dỗ chăm sóc là thế lại thầm yêu trộm nhớ kép Châu. Về phần kép Châu tuy biết thân phận hèn kém, tuy biết tính mạng treo đầu sợi tóc cũng không nỡ vô tình với công nương. Hai bên đã nhiều lần kín đáo gặp gỡ và cũng đã từng chỉ non thề biển, quyết sống chết có nhau.

Một hôm ông thượng ăn mừng thọ. Ngoài tiệc tùng đãi khách như thường lệ, còn có một đêm hát bội đặc biệt diễn một vở do ông biên soạn. Thủ vai chính không có ai khác ngoài kép Châu. Trong khi đào kép đang cố gắng trổ tài trên sân khấu thì ông thượng chăm chú cầm chầu. Hứng thú, ông đốt hết điếu này sang điếu khác. Bỗng chốc số thuốc quấn sẵn đựng trong một cái hộp bằng vàng đã hết nhẵn, ông bèn sai lính hầu vào bảo công nương quấn tiếp cho ông mười điếu nữa. Nhưng tên lính hầu đi quá lâu làm cho ông sốt ruột. Cho đến khi hắn bưng được hộp thuốc vào, ông mắng ngay:

- Mày đi đâu mà lâu thế?

Tên lính hầu đáp:

- Bẩm, vì công nương không có nhà nên con lại phải đi tìm, công nương vừa quấn xong là con mang đến đây liền.

Ông thượng không nói gì. Nhưng khi cầm lên một điếu ông lập tức chau mày. Thuốc của con gái ông quấn bao giờ cũng khéo: vừa gọn vừa chặt bằng giấy quyến tinh khiết, mười điếu không sai một. Đằng này đã quấn lỏng lại có nhiều vết bẩn. Bực mình, ông quát tên lính hầu:

- Vào gọi công nương mày tới đây tao bảo.

- Dạ.

Ấy thế nhưng lần này tên lính hầu cũng lại đi mất hút. Đợi một thôi một hồi, ông mới thấy cô con gái yêu đến. Ông mắng phủ đầu ít câu về điếu thuốc quấn không thành điếu, rồi đuổi con ra. Nhưng khi cô Nhung lui gót, ông vừa nhìn theo chợt trông thấy trên má của con có một cái vết đỏ. - "Hừ, làm sao nó lại có vẻ nhem nhuốc thế kia". Nghĩ thế, song ông vẫn để tâm trí vào trống chầu.

Giữa lúc ấy, đến lượt kép Châu bước lên đài. Ông thượng liếc nhìn thấy bộ mặt hóa trang của hắn cũng nhem nhuốc, nhợt nhạt, thì ông bỗng đoán ra nông nỗi. Một cơn giận bừng bừng bốc lên: - "Chà thằng này láo thật. Đồ xướng ca vô loài". Rồi ông lại nghĩ đến con gái: - "Không ngờ con gái ta lại đâm ra mê say nó, giở trò trên bộc trong dâu. Không thể tha thứ được!". Tuy nghĩ vậy, ngoài mặt ông vẫn điềm tĩnh, tay vẫn đánh trống chầu không nhầm lỗi.

Khi màn bắt đầu hạ để chuyển sang một cảnh khác, lập tức ông đứng dậy dõng dạc truyền lệnh:

- Quân đâu, dẫn kép Châu ra sân, chém đầu!

Tiếng quân hầu dạ ran. Các quan khách và mọi người đang xem hát ai nấy đều ngơ ngác kinh hồn. Chẳng ai hiểu duyên cớ vì đâu mà có cái án tử hình đột ngột này. Đây đó tiếng người thì thầm: - "Có lẽ nó đã làm điều gì đó hỗn xược với cụ lớn". Hay là: - "Chắc tên kép ấy đã phạm "húy" cụ lớn hay là phạm "húy" hoàng đế thì phải".

Trong khi kép Châu còn nguyên cả y phục tuồng bị đao phủ lôi ra sân, thì cô Nhung vẻ mặt hốt hoảng chạy tới trước ghế của cha mình ngồi thụp xuống vái lấy vái để:

- Trăm lạy cha, xin cha tha cho anh ấy. Có giết xin cha cứ giết mình con đây!

Nghe câu nói, ông thượng vẫn không động lòng, mà lại còn cảm thấy như bị thách thức. Trợn mắt, ông quát:

- A, nếu thế thì quân bay hãy cởi trói cho kép Châu mà bắt giải công nương ra chết thế.

Bọn quân hầu nhìn nhau toáng đảm, không ai dám cất tay động chân. Ông thượng đứng bật dậy quát:

- Chúng mày đã nghe rõ lệnh ta chưa?

Lại có tiếng dạ ran. Lính hầu xúm lại dẫn cô Nhung đi ra sân. Không có một lời can ngăn. Không một ai nhúc nhích. Một lát sau, một tiếng rú của công nương bật lên ai oán, rồi tất cả rơi vào im lặng.

Bấy giờ ông thượng quay lại phía bọn đào kép đang chúi vào một xó nhắc: - "Chúng mày hãy diễn tiếp đi!".

Tiếng đàn, nhị, trống, chiêng,v.v. thốt nhiên lại cất lên. Người xem tuy chẳng còn hứng thú xem tiếp, nhưng không một ai dám bỏ chỗ ngồi ra đi. Ông thượng miệng vẫn hút thuốc, tay vẫn nắm lấy dùi trống chầu như không có việc gì xảy ra. Màn diễn đến đoạn cuối: vai chính sẽ than thở bên xác người yêu. Kép Châu lại bước lên đài, mặt cắt không được giọt máu. Anh hát những câu hết sức buồn thảm, anh khóc thật và tỏ điệu bộ não nùng chưa bao giờ làm rung động người xem đến thế. Cứ như vậy, tiếng than khóc mỗi lúc một ai oán. Cho đến câu hát cuối cùng vừa dứt, kép Châu kêu lên mấy tiếng thảm thiết không có trong vở:

- Em ôi! Em hãy đợi anh với!

Đoạn rút trong tay áo một con dao găm đâm ngay vào cổ họng và ngã lăn xuống khán đài. (1)


o O o

Khảo dị


Truyện này gần như là một truyện thuộc loại muộn nhất của cổ tích, đã mang dáng dấp truyện ngắn hiện đại. Mặc dầu vậy nó cũng có dị bản, nhưng kết cục của dị bản lại không bi đát như truyện trên:

"Trong nhà một ông tuần nọ có nuôi một gánh hát riêng. Trong số diễn viên cũng có một kép trẻ tuổi đẹp trai hát hay, lôi cuốn được nhiều người, nhất là giới phụ nữ. Cũng như truyện trên, kép ta lọt vào mắt xanh con gái ông tuần. Thế rồi mối tình thầm lén ngày một nảy nở. ở đây không có cái vết đỏ trên má cô nàng, mà là bức thư tình của cô do một bạn đồng nghiệp của kép lấy trộm đưa tới ông tuần. Cơn thịnh nộ của ông bùng lên, ông tuốt kiếm bảo người đi tìm kép dẫn đến cho ông tức khắc. Nhưng kép lại vắng mặt lúc đó, nên kết thúc của truyện mang đôi chút hài hước. Trong khi chờ đợi tội nhân, ông cho giam con gái lại; thấy đôi hia đế cong của kép, ông dùng kiếm băm vằm như băm vằm người thật để hả cơn giận. Cơn giận dịu đi trông thấy. Đến chiều, theo dự định, vở tuồng "Từ Thứ quy Tào" sẽ diễn mà vai chính Từ Thứ thì ngoài kép ra không ai có thể thay được. Nhưng, kép ta có lẽ vì sợ vẫn chưa về mà nếu về cũng không có hia để đóng. Cuối cùng, ông tuần bảo người nhà đi mua một đôi hia khác và giục đi tìm kép về gấp để cho vở tuồng không bị hoãn lại. (2).

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Chàng Na Á

Ngày xưa có một chàng trai tên là Na Á. Anh mồ côi cha từ sớm, ở với mẹ già. Nhà Na Á nghèo, anh phải làm nghề đánh cá để nuôi thân, nuôi mẹ. Anh thẳng tính, không kiêng nể một ai, cũng chẳng sợ trời phật. Thấy anh thật thà, lại hay lam hay làm, người trong vùng ai cũng yêu mến. Cảm lòng tốt của anh, Táo Quân thường hóa thành một ông già làm bạn với anh. Còn anh cũng rất yêu quý Táo Quân. Táo Quân bảo gì, anh cũng nghe và thường tìm cách mách cho mọi người làm theo. Nhờ vậy, bà con trong vùng tránh được nhiều tai nạn. Trong vùng có một cô gái đẹp người, tốt nết vẫn thầm yêu anh. Một hôm, nhân lúc trò chuyện, Táo Quân ướm hỏi anh:

- Na Á này, anh có muốn lấy vợ không?

Na Á thành thật đáp:

- Thưa cụ, cháu nghèo thế này thì ai lấy ạ!

Táo Quân nói:

- Thôi anh cứ muốn có vợ là được. Mọi việc cứ mặc lão lo liệu.

Ít lâu sau cô gái nọ trở thành vợ Na Á. Hai vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận, tiếng khen khắp gần xa. Cả hai vợ chồng Na Á đều chăm chỉ làm lụng, trong nhà dần dần có cái ăn cái để. Mỗi lần ai khen Na Á tốt số thì anh thường bảo: "Số mệnh gì đâu. Âu cũng là nhờ hai bàn tay".

Không ngờ câu nói ấy của Na Á lọt đến tai Ngọc Hoàng. Đã từ lâu Ngọc Hoàng ghét Na Á vì tội bất kính, nay lại nghe anh coi thường cả số mệnh thì nổi giận. Ngọc Hoàng liền sai Thiên Lôi lập tức xuống đánh Na Á.

Lệ thường hễ nhà nào sắp xảy ra chuyện gì thì Táo Quân được biết trước. Táo Quân tìm Na Á, bảo:

- Này Na Á! Tối nay Thiên Lôi xuống đánh anh đấy!

Na Á hỏi:

- Biết lúc nào Thiên Lôi xuống, hở cụ?

Táo Quân bảo:

- Tối nay, khi nào có mưa to gió lớn, sấm chớp nổi lên là lúc Thiên Lôi xuống đấy! Thiên Lôi xuống thế nào cũng phải đứng trên nóc nhà. Vậy anh có cách gì làm cho Thiên Lôi trượt chân ngã thì sẽ không việc gì.

Na Á suy nghĩ mãi. Cuối cùng anh nghĩ ra một kế. Anh lấy lá chuối lợp lên mái nhà. Anh lại hái thật nhiều rau đay và rau mồng tơi giã nhỏ, nấu thành một thứ hồ sền sệt, trơn nhầy nhẫy. Anh đem phết thứ hồ ấy lên lá chuối trên nóc nhà. Tối đến, anh cầm sẵn đòn ống, ngồi ở góc nhà đợi Thiên Lôi.

Trời mỗi lúc một tối. Đến nửa đêm thì mưa to, gió lớn nổi lên. Sấm chớp nổ vang trời. Thiên Lôi hung hăng rẽ mây bay xuống. Nhà Na Á đây rồi! Thiên Lôi nhảy thẳng xuống nóc nhà để đánh Na Á. Huỵch! Thiên Lôi vừa đặt chân xuống nóc nhà thì giẫm phải lá chuối phết hồ, bị trượt chân, ngã lăn quay xuống sân, đánh rơi cả lưỡi tầm sét. Thiên Lôi chưa kịp hoàn hồn thì bỗng: "Phịch! Phịch! Phịch!" và Thiên Lôi bị đòn ống nện vào lưng! Hắn kêu: "Cứu với! Cứu với!". Tiếng Thiên Lôi kêu cứu hỗn loạn trong tiếng sấm ầm ỳ... Vất vả lắm Thiên Lôi mới thoát được trận đòn, tơi tả bay về trời.

Nghe tiếng sấm sét, Ngọc Hoàng khấp khởi mừng thầm, tưởng Thiên Lôi đã đánh chết Na Á. Giữa lúc đó, Thiên Lôi mặt mày sưng húp, áo quần rách bươm, bước vào. Thiên Lôi kể hết mọi nỗi cho Ngọc Hoàng nghe. Ngọc Hoàng vô cùng kinh sợ, tức tốc ra lệnh cho Diêm Vương phải trừ ngay Na Á.

Diêm Vương vốn căm ghét Na Á từ lâu, bây giờ được lệnh Ngọc Hoàng, Diêm Vương lấy làm mừng lắm. Diêm vương vội hội họp các tướng độc ác nhất để bàn mưu giết Na Á.

Quận Rết là viên tướng giỏi nhất của Diêm Vương tình nguyện một mình đi trị tội Na Á. Rết vốn thân hình nhỏ bé, dễ luồn lỏi. Rết leo giường, chui vào gối, định ban đêm sẽ bò ra cắn cổ Na Á.

Táo Quân dò biết việc này vội mách cho Na Á biết, Na Á mỉm cười bảo ông vua bếp:

- Cụ đừng lo! Cháu đã có cách.

Tối đến, trước khi đi ngủ, anh đem nhúng chiếc gối vào nước sôi. Thế là quận Rết chết chín nhừ.

Diêm Vương đợi mãi không thấy Rết về, lấy làm lo, liền sai quận Rắn lên hợp sức với quận Rết. Rắn vâng lệnh đi ngay. Rắn ta chui vào đống rạ đầu hè, chờ ban đêm sẽ bò ra cắn chết Na Á.

Táo Quân lại tin cho Na Á biết. Ông bảo:

- Quận Rắn độc lắm đấy, anh phải cẩn thận mới được!

Na Á cười bảo:

- Cụ đừng lo! Cháu đã có cách.

Tối đến, Na Á vác gậy ra đống rạ. Quận Rắn đang rúc trong đống rạ ngủ say thì bị Na Á đập cho mấy gậy giập đầu.

Thấy hai tướng giỏi đi mất không trở về, Diêm Vương lại càng lo, sai quận Cú là viên tướng miệng lưỡi độc địa đi dò la tin tức. Quận Cú vâng lệnh đi ngay. Cú đi một lúc, vội quay về báo với Diêm Vương: “Hai tướng đã bị Na Á giết cả”. Diêm Vương kinh sợ, liền sai Cú đi báo thù.

Cú bay đến nhà Na Á. Lúc này, Táo Quân và Na Á đi vắng. Cú bay thẳng vào cửa sổ, thấy vợ Na Á đang nằm ngủ trên giường. Cú vươn cổ nhìn vào và kêu luôn ba tiếng. Vợ Na Á bỗng giật mình, rồi tắt thở. Giết xong người phụ nữ, Cú bay vào rừng xanh, đợi dịp trở lại giết luôn cả người chồng là Na Á.

Đi làm về, thấy vợ mình bỗng dưng lăn ra chết, Na Á thương xót vô cùng, vội chạy đi hỏi Táo Quân. Táo Quân bảo:

- Việc này là do quận Cú đây! Anh phải bắt cho được Cú thì mới có cách cứu vợ anh.

Na Á suy nghĩ rồi nói:

- Cháu có kế này nhưng phải nhờ tay cụ. Chiều nay, mời cụ trở lại đây.

Na Á chặt tre đan một cái lồng hình cái nơm nhưng có đáy. Anh đem quét sơn xanh đỏ cái lồng, trông rất đẹp. Anh đưa lồng cho Táo Quân và bảo:

- Quận Cú là giống chim, ắt thích ở lồng. Cụ giả đem biếu hắn cái lồng này. Chờ khi hắn chui vào thì cụ đóng ngay cửa lại, rồi xách lồng về đây cho cháu.

Táo Quân cầm lồng đi thẳng đến rừng xanh, núi đỏ. Quả như lời Na Á nói. Thấy Táo Quân xách lồng son đến, quận Cú mừng khấp khởi. Qua vài câu chuyện, Cú ngỏ ý xin cái lồng. Táo Quân bảo:

- Tôi định đem đến biếu anh. Nhưng không hiểu anh có ưng ý không. Anh thử chui vào xem có vừa không đã.

Cú ta tối mắt về cái lồng sơn xanh đỏ, liền chui tọt vào. Táo Quân đóng sập cửa lại. Cú ngơ ngác bảo:

- Ông định nhốt tôi lại à?

Táo Quân hỏi:

- Mày dùng cách gì mà giết được vợ Na Á?

Quận Cú đành phải thú tội:

- Tôi chỉ cần kêu ba tiếng thì có người phải chết.

Táo Quân lại hỏi:

- Tại sao mày chỉ kêu có ba tiếng mà chết người được?

Quận Cú nói:

- Việc này không thể nói cho ngài biết được.

Táo Quân tức giận bảo:

- Mày không nói thì tao sẽ giao mày cho Na Á giết thịt.

Vừa nói Táo Quân vừa lắc mạnh cái lồng làm cho Cú tối tăm cả mặt mũi.

Cú đành nói thật:

- Tôi có hai lưỡi. Một lưỡi đen kêu lên thì chết người. Còn kêu bằng lưỡi đỏ thì người chết sẽ sống lại.

Táo Quân bảo:

- Cho tao xem cái lưỡi đen của mày!

Cú thè lưỡi đen ra cho Táo Quân xem. Táo quân rút dao cắt phăng cái lưỡi độc ấy đi. Quận Cú mất lưỡi độc rồi, Táo Quân xách ngay lồng Cú về cho Na Á. Na Á xách dao đến, bảo Cú:

- Kêu ba tiếng ngay, nếu không tao sẽ giết chết!

Cú buộc lòng phải kêu lên ba tiếng. Cú vừa dứt tiếng kêu thì vợ Na Á từ từ mở mắt. Chị sống lại, khỏe mạnh như xưa. Xong việc, Na Á mở cửa lồng cho Cú bay ra. Cú vội bay về báo cho Diêm Vương biết mọi việc xảy ra. Diêm Vương run sợ, vội làm sớ tâu lên Ngọc Hoàng.

Được tin, Ngọc Hoàng lo toát mồ hôi, liền xuống lệnh cho Long Vương đem tất cả các loài thủy tộc dâng nước lên thật mau để dìm chết Na Á.

Táo Quân vội báo tin dữ này cho Na Á biết. Cụ bảo Na Á:

- Phen này thì nguy mất, anh ạ.

Na Á ung dung nói:

- Cụ đừng lo! Nước dâng lên thì cháu sẽ lên đánh trời.

Thế rồi Na Á bảo dân làng mỗi người đóng một chiếc bè lớn, sắm sửa thật nhiều lương khô, trên bè cắm thật nhiều bông lau làm cờ. Khi nào nước lụt thì kéo nhau lên bè. Hễ nước dâng lên thì cứ đánh trống, reo hò thật khỏe vào.

Mọi người nghe theo lời Na Á. Anh cũng tự mình đóng một chiếc bè. Bè làm vừa xong thì nước lụt tràn đến. Na Á và dân làng cứ mỗi nhà một bè, sẵn sàng chống lụt. Nước càng lên. Na Á càng thúc trống, bảo mọi người hò hét cho thật ầm ĩ.

Nước lên mỗi lúc một cao, ngập cả ruộng vườn đồi núi. Trâu bò, gà vịt đều bị cuốn theo dòng nước. Na Á và mọi người không chút sợ hãi, vừa đánh trống vừa reo hò. Mưa càng to, gió càng lớn thì những bông lau trên các bè càng lung lay mạnh. Na Á thét lớn: "Nước lên nữa đi! Mau mau đưa ta đến cổng trời để ta phá Thiên đình".

Nước dâng lên gần đến nhà trời. Ngọc Hoàng nghe tiếng hò hét ầm ĩ, liền sai một tướng nhà trời ra xem. Viên tướng đi một lúc, vội chạy về báo:

- Nguy to! Nguy to! Na Á kéo quân định phá Thiên đình!

Ngọc Hoàng hoảng sợ, vội ra lệnh cho Long Vương lập tức rút nước xuống. Ngọc Hoàng lại tức tốc triệu các thiên thần về trời, mặc cho Na Á muốn làm gì thì làm ở trần gian.

Từ đó, hễ khi nào lau trổ bông thì trời không còn sấm sét nữa, mực nước các sông cũng đều rút thấp. Người già bảo đó là vì Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và Long Vương sợ Na Á lại kéo quân lên phá Thiên đình.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Sự tích chim đa đa

Ngày xưa có một em bé mồ côi cha từ hồi còn nhỏ. Người mẹ sau một thời gian tang chế cũng đi lấy chồng. Vì bà con thân thích nội ngoại không còn ai nên nó phải theo mẹ về ở với bố ghẻ. Bố ghẻ tính rất vũ phu, coi cả hai mẹ con như kẻ ăn đứa ở. Nhất là thằng bé chưa biết làm gì cả, nên hắn lại càng ghét dữ. Nhiều lúc có việc trái ý, hắn đánh thằng bé thâm tím cả mình mẩy. Nhà hắn cũng không có gì. Hắn thường sinh nhai bằng cách lên rừng đốn củi. Người đàn bà vừa về với hắn được một ngày đã phải gánh củi của chồng đi bán ở chợ. Không may, năm đó trời làm mất mùa. Miếng ăn kiếm rất chật vật. Củi rẻ như bèo. Trước kia một gánh củi nuôi sống gia đình được mấy ngày thì bây giờ không đủ nuôi được một bữa. Thằng bé chưa làm được nghề ngỗng gì cả, trở nên một cái gai trước mắt bố ghẻ.

- Thằng bé này chỉ ăn hại đái nát. Chỉ làm cho ta khó khăn thêm.

Hắn bảo vợ thế và khuyên vợ đem con đi bán cho kẻ khác nuôi. Nhưng người đàn bà nhất quyết không chịu. Thà là cả hai mẹ con cùng chết chứ bà không đời nào chịu lìa con. Người bố ghẻ bèn có ý định muốn giết chết con riêng của vợ. Mạng người lúc này nhỏ bằng cái tơ cái tóc. Huống chi đối với hắn, hắn chẳng coi ra gì.

Nạn đói coi chừng đang kéo dài và ngày càng dữ dội. Một gánh củi lớn bây giờ không đổi nổi một bát gạo. Hôm đó, chờ lúc vợ đi chợ sớm, hắn đưa thằng bé lên rừng. Hắn rủ:

- Mày có muốn trèo ổi và bắt bướm không? Trên ấy thì tha hồ. Thằng bé nghe thế lấy làm thích, cố xin đi theo cho được. Cảnh rừng có nhiều cái lạ làm cho thằng bé lon ton chạy theo bố ghẻ không biết mệt. Người đàn ông đưa nó vào rừng sâu. Khi đến chỗ mấy cây ổi rừng, hắn bảo thằng bé:

- Ổi đấy. Và có bát cơm đây. Chốc nữa tao lại tìm.

Thế rồi hắn bỏ mặc thằng bé, lẳng lặng chui ra, đến một chỗ khác kiếm củi. Nhưng buổi chiều, khi bước chân vào nhà hắn lấy làm ngạc nhiên thấy thằng bé đã về trước hắn rồi. Số là thằng bé trong khi đang bơ vơ giữa rừng rậm thì may mắn gặp một bọn đi đào khoai mài về ngang. Thế là họ đưa nó về. Nhờ có bát cơm, nó vẫn đủ sức đi được đến nhà. Nghe đứa bé kể, hắn bực mình vô hạn. Hắn vờ mắng:

- Chỉ vì mày, làm tao tìm mãi không được!

Một lần khác hắn lại dỗ được đứa bé đi theo lên rừng. Lần này hắn cố tâm đưa nó vào thật sâu, đến những nơi chưa ai dám tìm vào hái củi bao giờ. Khi trốn khỏi thằng bé, hắn nghĩ bụng: "Không chết vì thú dữ thì cũng chết vì lạc, không chết vì lạc thì cũng chết đói mà thôi".

Mãi đến chiều tối vẫn không thấy bố ghẻ trở lại, thằng bé khóc lóc, kêu gào nhưng chỉ có tiếng vọng của núi rừng trả lời nó thôi. Nó cuống cuồng chạy tìm khắp mọi ngả nhưng không hề thấy một bóng người. Khi đã mệt lử và đói bụng, nó tìm đến chỗ bát cơm của bố ghẻ để lại thì không ngờ đấy là một bát cát trên có rắc một lớp cơm với một quả cà để đánh lừa. Thằng bé nhặt những hạt cơm phủi cát bỏ vào miệng. Cuối cùng đói quá, nó cầm lấy bát chạy khắp nơi và kêu lên: "Bố ghẻ ơi! Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!" Nhưng tiếng kêu gào của nó chỉ làm cho một vài con chim rừng giật mình mà thôi. Rồi thằng bé chết, hóa thành chim đa đa, luôn luôn kêu những tiếng "Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!"

Đợi mãi không thấy con về, người đàn bà khóc thương vô hạn. Đoán biết thằng chồng tàn bạo đã ám hại con mình, bà ta đứng lên xỉa xói vào mặt hắn. Cuối cùng bà ta bắt hắn phải đi kiếm con mình về ngay, nếu không sẽ lên quan tố cáo. Túng thế hắn phải vào rừng. Hắn tìm mãi. Đột nhiên trong khu rừng hẻo lánh nổi lên mấy tiếng "Bát cát quả cà". Hắn rụng rời. Đích thị là oan hồn thằng bé đã lên tiếng vạch tội ác của hắn. Nghe luôn mấy tiếng liên tiếp, hắn không còn hồn vía nào nữa, vội bỏ chạy. Nhưng mấy tiếng "Bát cát quả cà" đuổi theo hắn. Hắn chạy mãi, băng hết khu rừng nọ sang khu rừng kia. Tự nhiên hắn vấp phải đá ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Mấy ngày sau, những người tiều phu thấy thi thể hắn nằm vật ở mé rừng.


Các bạn có thể tham khảo thêm các sản phẩm của shop trẻ thơ tại: đồsơsinhtại HN || shop bánđồsơsinh || shop trẻthơViệt Nam


Sự tích ông đầu rau



Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.

Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu. Túng thế hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình thế vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:

- Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở nhà được.

Nghe chồng nói, người đàn bà đòi đi theo để sống chết cho có bạn. Nhưng người chồng bảo:

- Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt bó mo về đây nuôi nàng cũng nên! Chao ôi! Số mệnh! Nàng hãy chờ tôi trong ba năm, nghe! Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác.

Người vợ khóc lóc thảm thiết như đứng trước cảnh tang tóc thực sự. Nhưng không biết làm thế nào cả, nàng đành phải để chồng ra đi. Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày thảm đạm. Ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lẹn và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.

Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Nhưng cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng. Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đói, vừa chết vợ. Sẵn có cảm tình với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:

- Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.

Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không một nét chữ, một lời đồn về người xấu số. Hàng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:

- Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập một gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và của của tôi đủ bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.

Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.

Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm: "Thế là hết. Bởi số cả!". Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi vợ chồng mới cưới không biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám dàn mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ.

- Tôi đi vắng lâu quá. Cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút. Thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi này mãi mãi.

Mặc dầu người vợ nài nỉ hết sức, mặc dầu người chồng mới đoan xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.

Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không rán chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.

Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi người ta sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà. Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to: "Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác". Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.

Lúc xuống đến thế giới bên kia, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật ôm ấp trong lòng. Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất sâu xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Khi Diêm vương hỏi tình của chàng đối với người vợ cũ như thế nào thì chàng giơ ngón tay so sánh rằng một bên mười, một bên chưa được một. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.

Diêm vương ngồi nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi lâu suy nghĩ, Diêm vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời vua còn phong cho họ chức Táo quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình một trên trần thế.

Các bạn có thể tham khảo thêm các sản phẩm của shop trẻ thơ tại: shop bánđồsơsinh || bìnhsagiár || xeđyHàNi